Tổng quan Sự thuần hóa động vật

Đặc điểm

Bò Hà Lan, một trong những điển hình của quá trình thuần hóa chọn lọc tạo ra những kiểu hình phù hợp cho việc lấy sữa tươi như: thân hình nêm, bầu vú vo, núm vú căng, mông nảy nở, lông da sáng mịn, khuyết sừng, tính tình thuần hiền

Nhà bác học Charles Darwin với Thuyết tiến hóa đã nhận ra một số đặc điểm nhỏ đã làm cho các loài thuần hóa khác với tổ tiên hoang dã của chúng. Ông cũng là người đầu tiên đã nhận ra sự khác biệt giữa chọn lọc có ý thức (chọn lọc nhân tạo), trong đó con người trực tiếp lựa chọn các tính trạng mong muốn, và sự lựa chọn vô thức ở nơi những đặc điểm phát triển như một sản phẩm phụ của sự chọn lọc tự nhiên hoặc từ việc lựa chọn các tính trạng khác. Trong lịch sử hình thành và tiến hóa của loài người hiện đại, có ba mục đích chính cho sự thuần hóa:

Thứ nhất là để tạo ra nguồn thức ăn ổn định. Tổ tiên con người, sau một giai đoạn sống bấp bênh bằng cách săn bắt và hái lượm, đã dần nghĩ đến việc thuần hóa và lai tạo những loài thú để sử dụng làm nguồn thức ăn ổn định hơn rõ nhất là lợn nhà. Thứ hai là thuần hóa động vật để lấy sức lao động như sức cày kéo, chuyên chở. Con người dùng trâu bò để kéo cày, dùng ngựa để chở hàng (ngựa thồ) hay phục vụ cho việc chinh chiến (ngựa chiến)... Thứ ba, con người thuần hóa vật nuôi để làm bầu bạn, người đồng hành. Những chú chó đồng hành là ví dụ điển hình.

Quá trình này được các nhà khoa học gọi là "commensal" con đường thuần hóa. Không giống như bò hay cừu, những loài được con người thuần hóa từ động vật hoang dã mà con người săn bắn thì những loài chó và mèo đi vào một mối quan hệ cùng có lợi với con người thông qua thực phẩm. Quá trình này không hoàn toàn là cố ý, con người không đặt ra mục tiêu cố gắng để thuần hóa một con mèo hay một con chó và làm cho nó thành một con vật cưng, nhưng như một phản ứng dây chuyền qua nhiều giai đoạn và kết quả là chúng trở thành vật nuôi của con người trên thế giới ngày nay.

Thuần hóa vật nuôi thực chất là quá trình lao động sáng tạo của con người. Trong quá trình đó, con người có những tác động cơ bản đến thú hoang, tạo nên những thay đổi ở thú hoang, các tác động cơ bản bao gồm: Con người thay đổi địa bàn hoạt động của thú hoang, hạn chế khả năng di động của chúng, làm đảo lộn tập tính sinh sống vốn đã bảo thủ của thú hoang như: tự tìm kiếm lấy thức ăn, sống thành bầy đàn chung đụng nhau, luôn ẩn náu, lẩn tránh kẻ thù, thay đổi địa dư phân bố và điều kiện khí hậu sinh sống của thú hoang. Con người tác động bằng điều kiện dinh dưỡng, chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm không ngừng cải biến phẩm chất của thú hoang phù hợp với mong muốn của con người. Con người không ngừng chọn lọc, nhân giống, bồi dưỡng những đặc tính có lợi, củng cố, nâng cao những đặc tính đó.

Do những tác động làm lay động cải biến tính di truyền vốn có của thú hoang, kết hợp với những tác động bằng điều kiện ngoại cảnh được tiến hành trong một quá trình lâu dài, thú hoang dã có những biến đổi chủ yếu bao gồm:

Thuần hóa lợn
Sự khác nhau về kiểu hình giữ lợn rừng (hình trên) và lợn nhà đã được thuần hóa (hình dưới)
  • Thay đổi về thể vóc, tính tình: Tầm vóc ngoại hình thú hoang rất phù hợp với bản năng sống hoang dã của chúng, khỏe mạnh, hung tợn, nhanh nhẹn, lanh lợi, thích ứng cao với ngoại cảnh. Trong khi đó, gia súc ngay sau khi thuần hóa tầm vóc nhỏ đi, tính tình hiền lành, điềm tĩnh, dễ sai khiến, di chuyển chậm chạp thững thờ, thích ứng với điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng của con người. Về sau, do điều kiện nuôi dưỡng của con người ngày càng hoàn thiện, do tác động của chọn lọc mà tầm vóc của gia súc được tăng lên hoặc tầm vóc lớn, nhỏ theo định hướng chọn tạo giống của con người.
  • Thay đổi về hình dáng, cấu tạo và chức năng các bộ phận: Thú hoang thường có da dày, lông cứng, xương lớn nhưng gia súc thường có da mỏng, lông mịn, xương nhỏ hơn. Những bộ phận trực tiếp tạo nên sản phẩm càng có những biến đổi rõ rệt hơn. Chẳng hạn, bầu vú bò rừng kém phát triển, lượng sữa của chúng chỉ đủ nuôi con, trong khi bầu vú bò sữa rất lớn, có thể cho sữa gấp 5–6 lần nhu cầu của con, hình dáng bò sữa thường có hình “nêm” do bầu vú rất phát triển, cơ thể phát triển mạnh ở phần sau. Lợn rừng có đầu và vai phát triển ngược lại lợn nhà, phần lưng, mông, đùi, bụng là phần thịt có giá trị nhất lại phát triển mạnh nhất.
  • Thay đổi về sức sản xuất: Đây chính là mục tiêu và cũng là biểu hiện rõ rệt nhất của sự thuần hóa. So với thú hoang, sức sản xuất của gia súc, gia cầm tăng hơn rất nhiều: Những con gà rừng thường chỉ đẻ khoảng 20–30 trứng/năm trong khi gà nhà đẻ lên đến 200–300 trứng/năm chưa kể những giống siêu trứng, lợn rừng đẻ khoảng 5–6 con/năm trong khi lợn nhà đẻ 10–12 con/lứa, một năm 1,8–2,5 lứa. Cừu nhà cho len liên tục và dồi dào.
  • Hình thành nên các phẩm giống đa dạng: Cho tới nay, từ 15 loài động vật có vú, 10 loài chim khởi đầu, con người đã thuần hóa, gây chọn được hàng nghìn giống mới rất đa dạng theo các hướng sản xuất khác nhau. Về bò có các loại bò sữa (bò Hà Lan, bò Jersey, bò Brown Swiss), bò thịt (bò Angus, bò Santa Gertrudis, bò Hereford…), bò kiêm dụng sữa thịt (bò Ximantan…), bò cày kéo. Về lợn: lợn hướng nạc (lợn Landrace, lợn Yorkshire, lợn Đại Bạch), lợn hướng mỡ (lợn Ỉ, lợn Lincon), lợn kiêm dụng. Về gà: có gà hướng trứng (gà Leghorn, gà Linh Phượng), gà hướng thịt (gà Cornish, gà SS...) gà kiêm dụng trứng thịt (gà Rhode đỏ, gà Newhampshire, gà Sussex), các giống gà thả vườn, gà công nghiệp

Sau khi được thuần hóa, vẻ bề ngoài của nhiều con vật có thay đổi nhưng không quá nhiều, thậm chí là rất khó phân biệt loài hoang dãgiống thuần chủng. Chó nhàchó hoang, ngựa thường và ngựa vằn không có nhiều điểm khác biệt về hình dáng. Thậm chí, ngựa vằn có thể lai với ngựa nhà tạo ra con lai mới nhưng chúng thì không thể thuần hóa. Như một quy luật chung, các loài thuần chủng có kích thước nhỏ hơn và ít tinh ranh hơn giống hoang dã. Các loài vật nuôi luôn có thức ăn sẵn, và không phải vận động để tìm kiếm thức ăn. Tuy nhiên, nguồn thức ăn trong tự nhiên luôn là thứ tốt và phù hợp nhất với khẩu vị cũng như sự phát triển của chúng, chính vì thế kích thước giảm dần.

Qua nhiều thế hệ, chúng đạt được kích thước ổn định của giống thuần chủng, và thường nhỏ hơn loài hoang dã về bộ khung, còn phần lớn, chúng thường béo tốt mập mạp hơn những cá thể hoang dã do việc vỗ béo. Chúng cũng không phải vật lộn và cạnh tranh sinh tồn với các thách thức của môi trường cũng như sự cạnh tranh của các cá thể khác như môi trường hoang dã nên cũng ít tinh ranh hơn, tính gây hấn và cảnh giác giảm. Kích thước bộ não giảm đi vì lý do quan trọng nhất là chúng không phải chịu áp lực sinh tồn, không sử dụng hết các kĩ năng vốn có, và dần dần, bộ não không được sử dụng linh hoạt giảm dần kích thước qua các thế hệ.

Di truyền

Gà rừng lông đỏ, tổ tiên của gà nhàĐàn gà công nghiệpĐàn gà công nghiệp hướng trứng

Có một sự khác biệt di truyền giữa các quần thể thuần hóa và hoang dã. Cũng có một sự khác biệt giữa tính trạng thuần hoá mà các nhà nghiên cứu tin là rất cần thiết ở giai đoạn đầu của sự thuần hóa và những đặc điểm cải tiến đã xuất hiện từ sự phân chia giữa quần thể hoang dã và quần thể đã được thuần hóa. Các đặc điểm họ hàng nói chung được xác định ở tất cả các loài động vật được thuần hóa và được lựa chọn trong giai đoạn thuần hóa gia súc của động vật, trong khi các đặc điểm cải tiến chỉ có ở một tỷ lệ những cá thể được thuần hóa, mặc dù chúng có thể được cố định trong các giống cá thể hoặc quần thể khu vực.

Sự nhân giống tạo dòng thuần chủng con người đã ảnh hưởng đến quá trình tiền hóa của các loài trong tự nhiên do việc giao phối cận huyết, làm thay đổi tần số kiểu gen và các alen trong quần thể vốn có. Theo thuyết tiến hóa của Darwin, quá trình tiền hóa từ loài này thành loài khác diễn ra trên cơ sở những đột biến nhỏ, là nguyên liệu sơ cấp của tiến hóa. Còn chọn lọc tự nhiên là động lực của quá trình tiến hóa. Chó nhà có thể là hậu duệ của chó sói, đã biến đổi những đặc điểm về hình thái để phù hợp hơn với môi trường. Vấn đề ở các loài hoang dã đã có sẵn những gen quy định những đặc điểm của loài thuần hóa, để khi môi trường thay đổi, chúng biểu hiện ra ngoài, hoặc bình thường chúng không được biểu hiện, nhưng khi có một đột biến gen nhỏ, làm những đặc điểm này được biểu hiện.

Những nghiên cứu sau này cho biết rằng cơ chế của việc thuần hóa động vật nhờ tìm thấy trong một con cáo nâu đen thuần hóa một loại nhiễm sắc thể chịu trách nhiệm về "hành vi theo lệnh tay". ADN ở nhiễm sắc thể cáo giống hệt như trong nhiễm sắc thể của chó, loài vật trong quá trình tiến hóa đã từ chó sói được con người thuần dưỡng thành chó nhà. Trong thí nghiệm giải mã bộ gen của con cáo nâu-đen thuần dưỡng ghi nhận các chuỗi ADN liên tiếp chung giữa nó và loài chó phát hiện thấy sự gắn kết giữa cáo với con người là do tác động của các gen nằm ở khu vực nhiễm sắc thể thứ 12.

Những gen này có họ hàng với gen nhiễm sắc thể số 5 của chó, vốn đã giúp loài sói hoang dã cuối cùng biến thành vật nuôi thân thiện trong nhà. Những đặc tính di truyền này phân định chức năng thần kinh của động vật, những con cáo thuần hóa và con chó thông thường rất gần gũi với nhau theo xu thế tiến hóa của cấu trúc cơ thể như vậy sẽ đã xác định được những gen chịu trách nhiệm về quá trình thuần hóa của động vật hoang dã, rồi những cơ chế phân tử được hình thành trong quá trình thuần hóa, một số loài động vật được thuần hóa, trong khi những loài khác vẫn giữ nếp hoang dã bất chấp mọi nỗ lực cải tạo của con người.

Loài người đã thuần hoá động vật trong hàng ngàn năm. Trong suốt thời gian đó, có nhiều kinh nghiệm dân gian và bí quyết quanh công việc này. Nhưng tất nhiên, di truyền học đóng vai trò quan trọng trong quá trình thuần hoá. Nhiều phát hiện ra những vùng gen kiểm soát tính thuần phục của động vật. Các nhà nghiên cứu ở Novosibirsk, Liên Xô (nay là Liên bang Nga) bắt được lượng lớn chuột ở vùng đất hoang quanh thành phố. Sau khi đem về phòng thí nghiệm, lũ chuột được chia làm hai nhóm.

Nhóm đầu tiên gồm những con chuột tỏ ra khá hiền lành, chúng không quá hung hăng với con người. Nhóm thứ hai gồm những con kích động nhất, chúng la hét, tấn công và cắn các nhà nghiên cứu. Kể từ đó, những con chuột này được lai giống với nhau. Bây giờ, hai nhóm chuột này có phản ứng rất khác nhau với con người. Nhóm những con thuần hoá cho phép con người chạm vào chúng, nhấc lên và không bao giờ tấn công. Những con hung hãn thì la hét, có thể tấn công bất cứ lúc nào. Các nhà khoa học cho hai nhóm chuột này giao phối với nhau và xác định vùng trong bộ di truyền điều khiển tính thuần hoá hay hung hãn.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sự thuần hóa động vật http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/bi-mat-thuan... http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/tai-sao-kho... http://nld.com.vn/cong-doan/thuan-hoa-thu-hoang-20... http://danviet.vn/nha-nong/thuan-hoa-ga-rung-de-ha... http://infonet.vn/loai-cho-duoc-thuan-hoa-toi-2-la... http://m.thvl.vn/?p=817718 http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/con-nguoi-da-thua... http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/tai-sao-khong-the... http://vtc.vn/tai-sao-con-nguoi-khong-thuan-hoa-du...